Khi Sài Gòn ngày một đắt đỏ hơn và đối diện với hàng loạt vấn đề của một đô thị lớn, giao thông liên vùng thuận tiện hơn nhờ sự phát triển mạnh của hạ tầng, dân trí được nâng cao và thông tin dễ dàng tiếp cận hơn nhờ Internet, thế hệ của chúng ta sẽ được chứng kiến sự chuyển mình nhanh mạnh hơn nhiều so với thập kỷ trước của các đô thị vệ tinh, tại các tỉnh quanh Sài Gòn như Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An. Sài Gòn vẫn là đích đến số một, nhưng không còn là duy nhất của làn sóng di dân.
Chọn đúng vị trí và đúng giá thì bất kể mua ở tỉnh nào nêu trên, nhà đầu tư vốn nhỏ đều có thể hái trái ngọt. Cá nhân Duy (tác giả) chọn thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với kỳ vọng rất riêng về xu hướng chuyển dịch, mở rộng cảng biển nhằm phục vụ cho nhu cầu trao đổi hàng hóa dự kiến sẽ tăng đột biến trong thời kỳ mới, thời kỳ các ông lớn di dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Thật ra, ngoài cảng biển, ngay lúc này, Phú Mỹ đã là một trung tâm sản xuất công nghiệp lớn rồi.
Sau đây là một số nhận định, phân tích về tiềm năng của thị trường Bất động sản thị xã Phú Mỹ, tỉnh BRVT, một đô thị công nghiệp vừa được Thủ Tướng đồng ý nâng hạng thành loại III vào đầu tháng 11/2020, được quy hoạch lớn hơn cả thành phố Bà Rịa (đô thị loại II) hiện nay. Trước hết, chúng ta sẽ cùng nhau điểm qua và đánh giá sơ bộ thực trạng, tiềm năng phát triển kinh tế của trung tâm thị xã Phú Mỹ, sau đó mới bàn về thị trường bất động sản tại đây và những ý tưởng đầu tư.
Khái quát tình hình Kinh tế và Dân số BRVT
- Dân số: 1,152 triệu người, trong đó 58,6% sống ở thành thị, 53% dân số ở độ tuổi lao động.
- Thu nhập: Sau khi trừ nguồn thu từ dầu khí, GRDP bình quân đầu người vào khoảng 6.530 USD, gần bằng mức 6.799 USD của TPHCM.
- Cơ cấu kinh tế: 52,52% là công nghiệp, dịch vụ chiếm 28,25%, còn lại là Nông – lâm – ngư.
- Thị trường bán lẻ: Quy mô 45,7 nghìn tỷ, tăng trưởng 14,11% so với 2018.
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 năm 2018 và 2019 lần lượt là 7,2% và 7,65%.
Thế mạnh của tỉnh là dịch vụ cảng biển và logistics có mức tăng trưởng khá, doanh thu dịch vụ khoảng 4.056 tỷ, tăng 4,8%. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng trong năm 2019 khoảng 71,1 triệu tấn, tăng 4,82%, đạt khoảng 52% tổng công suất thiết kế của hệ thống cảng đang hoạt động. Đến nay, tổng diện tích kho bãi logistics đang hoạt động là khoảng hơn 100 ha. Giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong quy hoạch của ngành này chính là Cụm cảng, cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải nằm ở thị xã Phú Mỹ.
Về thị xã Phú Mỹ, bên cạnh cảng và kho bãi, đây cũng là nơi tập trung hệ thống khu công nghiệp nặng và năng lượng, nhiều nhất và lớn nhất của tỉnh, đặc biệt tại phường trung tâm Phú Mỹ. Với trên 52% GRDP tỉnh thuộc về công nghiệp, có thể thấy, Phú Mỹ giữ vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế địa phương. Không những thế, nếu biết rằng, gần 40% tổng công suất điện năng của cả nước, tức khoảng 3900MW được sản xuất tại hệ thống nhà máy điện Phú Mỹ 1234 đặt ở đây (tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ USD), chúng ta sẽ thấy vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của Phú Mỹ trong định hướng quy hoạch phát triển kinh tế toàn tỉnh BRVT nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.
Thêm nữa, những ông lớn nổi bật trong sản xuất công nghiệp tại Phú Mỹ có thể kể đến là nhà máy thép VINA-KYOEI, nhà máy thép, luyện kim Pomina 2 và 3; nhà máy phân bón NPK, bên cạnh rất nhiều nhà máy xay lúa mì, bột mì; sản xuất hạt nhựa PVC, nhựa đường; chế biến thực phẩm và thức ăn gia súc.
Đối với đầu tư phát triển, tổng giá trị nguồn vốn toàn xã hội vào khoảng 46,234 nghìn tỷ đồng, tương đương 12.9% GRDP, trong đó vốn ngân sách khoảng 10,901 nghìn tỷ. Đáng chú ý, so với 6,689 nghìn tỷ của năm 2018, nguồn vốn nhà nước đã tăng rất mạnh, hơn 62.9 %. Rõ ràng, bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, liên tục và ổn định, đầu tư công tăng cao là một chỉ báo cho thấy đang có sự chuyển mình mạnh mẽ về chính sách kinh tế và cơ sở hạ tầng xã hội của tỉnh.
Nơi nào tập trung sản xuất công nghiệp phục vụ xã hội, nơi đó có nhiều việc làm. Nơi nào có nhiều việc làm, nơi đó hứa hẹn dân số cơ học sẽ tăng cao. Nơi nào có dân cư tập trung nhiều, nơi đó xuất hiện nhu cầu nhà ở, đất sản xuất, kinh doanh. Tất cả dẫn đến một hệ quả, nhu cầu BĐS sẽ tăng cao theo thời gian. Và một sự thật bất ngờ, mặt bằng giá BĐS tại trung tâm thị xã Phú Mỹ hiện nay, theo trải nghiệm thị trường, khảo sát và đánh giá chủ quan của người viết, đang rất hấp dẫn so với những khu vực lân cận trong tỉnh cũng như so với tỉnh khác.
Người Sài Gòn ra Vũng Tàu tắm biển, hết cao tốc, đi thêm khoảng 30km quốc lộ 51 nữa thì thấy bỗng dưng mật độ giao thông đông hẳn lên, lát sau tầm 5 phút “xốn mắt” bởi chiều cao vượt trội của 2 tòa tháp chung cư Hodeco 18 tầng bên trái, rồi thấy 2 trung tâm thương mại lớn Coop Mart và KNG Mall chỉ cách nhau hơn 500m, phía phải là một khách sạn 4* cao nổi bật cùng với một dãy mấy ngân hàng gần nhau, chính nó, thị xã Phú Mỹ.
Cách Q.1 TPHCM khoảng 1 tiếng di chuyển qua cao tốc Long Thành – Dầu Giây (LT-DG), cách Vũng Tàu cũng chỉ chừng đó thời gian đi ô-tô, xét ra, so với Biên Hòa (Đồng Nai) hay Thuận An và Dĩ An (Bình Dương), Phú Mỹ khá bất lợi về cự ly trong giao thương với Sài Gòn. Hạ tầng kết nối liên vùng của Phú Mỹ cũng rất kém với con đường Quốc lộ 51 độc đạo để đi Sài Gòn, Đồng Nai. Phải chăng, đó là những lý do mà bao nhiêu năm nay, với những lợi thế địa lý gần như có một không hai trên cả nước, nhưng Phú Mỹ cứ như con bé lọ lem trước đêm dạ hội?
Bài viết của anh Ninh Ngọc Duy do Real Bank sưu tầm