Quy hoạch chung là linh hồn, mang tính định hướng nên nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển đô thị. Trước khi đầu tư ở vùng đất mới, đánh giá quy hoạch tổng thể là việc không thể thiếu.
Xét theo trục dọc, Phú Mỹ được chia thành đôi bờ bởi Quốc lộ 51, có 2 phân vùng chức năng được quy hoạch rõ ràng. Vùng sản xuất công nghiệp ở phía Tây QL51, giáp với sông Thị Vải, hầu như toàn bộ là đất Công nghiệp, kho bãi, xen kẽ một vài mảng đất Hỗn hợp rất nhỏ; chỉ một dải hẹp bám sát trục QL51, bắt đầu từ cuối phường Mỹ Xuân là đất Ở đô thị. Ngược lại, trừ khu công nghiệp Mỹ Xuân B1, phần rất lớn vùng phía Đông QL51 là các khu dân cư, xen kẽ là đất Thương mại – dịch vụ và đất Công trình công cộng. Tính cả đôi bờ, tổng diện tích đất dân dụng ở đô thị mới Phú Mỹ khoảng 3.125 ha.
Có thể nói, cách quy hoạch này gần như tận dụng được tối đa điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng giao thông hiện có để phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, hàng hóa được vận chuyển qua lại giữa bến cảng – kho bãi – nhà máy sản xuất gần như không phải đi qua khu dân cư nào. Thêm nữa, các xung đột giữa hoạt động sản xuất và hoạt động dân sinh sẽ được hạn chế thấp nhất. Ví dụ như, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí, những đặc trưng của sản xuất công nghiệp đã được “cách ly” ra khỏi khu dân cư; sự phiền hà trong tham gia giao thông dân sinh giữa những dòng xe tải hạng nặng ùn ùn cũng được khắc phục rất nhiều.
Ngoài ra, quy hoạch cũng không quên quan tâm đến chất lượng cuộc sống của cư dân. Cùng với món quà từ thiên nhiên là núi Thị Vải, một diện tích đất đai lớn thuộc xã Tóc Tiên sẽ thành lá phổi xanh của toàn vùng. Các phân khu chức năng văn hóa, thể thao tất nhiên không bị bỏ sót, chúng được bố trí xen kẽ mỗi khu dân cư.
Thông tin thêm, dự kiến thành phố cảng Phú Mỹ trong tương lai sẽ có trung tâm hành chính mới thay thế cho trung tâm hiện tại vốn đã rộng đẹp và bề thế. Khu mới được quy hoạch tại phường Phú Mỹ, sát với chân núi Thị Vải. Bao quanh trung tâm dự kiến này là đường Trường Chinh (đường 81 cũ) và đường dẫn vào cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (đã được phê duyệt chủ trương nguồn vốn). Đây là vị trí trung tâm toàn vùng, rất đẹp, lại có phong thủy “tựa sơn, hướng thủy”, nó thể hiện cái tâm, cái tầm của đội ngũ quy hoạch.
Quy hoạch cần nhiều điều kiện để đi vào đời sống. Đã từng có rất nhiều nghi ngờ về “Thành phố mới Bình Dương” trước khi nó thành hình, nhưng giờ thì hãy đến và xem. Đối với Phú Mỹ, theo Quyết định số 1113/ QĐ-TTg do phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký và ban hành vào tháng 07/2013, nội dung về Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Phú Mỹ, thì đến năm 2020, nơi này sẽ có quy mô dân số khoảng 200 ngàn người; thực tế thì năm 2019 đã vượt mốc 220 ngàn. Như vậy, những trù liệu trong quy hoạch đến nay đều đang đi đúng hướng, à không, thực tế phát triển nhanh hơn nhiều. Nếu bám sát thực hiện theo quy hoạch bải bản trên, chúng ta sẽ được nhìn thấy “Thành phố mới Phú Mỹ” xanh đẹp, hiện đại trong tương lai không xa, với quy mô dân số tăng khoảng 50% so với hiện nay, 310 ngàn người vào năm 2030!
Rõ ràng, việc đầu tư BĐS tại thành phố nhiều triển vọng này thật quá cám dỗ. Nhưng chọn mua nhà đất ở đâu trên vùng đất rộng tới 330km2? Hai phường sau đây đã thu hút sự quan tâm của tôi.
Bài viết của anh Ninh Ngọc Duy do Real Bank sưu tầm